Cô giáo như mẹ hiền

Địa chỉ: Xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tri ân với các nhà giáo lão thành

Chiều qua (15/10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi nói chuyện thân mật và tri ân tới các nhà giáo lão thành ở ba miền nhân kỷ niệm 45 năm Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10 /1968 – 15/10/2013).
Với tinh thần “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, nhiều nhà giáo đã bày tỏ niềm xúc động khi được đọc bức thư cuối cùng của Bác, các nhà giáo ở nhiều thế hệ khác nhau, có người nhiều tuổi, người ít tuổi nhưng đều trưởng thành từ trong 23 bức thư mà Bác Hồ  gửi cho toàn ngành giáo dục từ năm 1945 đến năm 1968.

Ông Nguyễn Xuân Đàm – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên bày tỏ, với tinh thần cách mạng chúng ta quyết thực hiện lời dạy của Bác, dù có khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua nắm lấy khoa học công nghệ, khi nào làm tốt lời dạy của Bác thì chúng ta mới dành được thắng lợi. 
Ông Nguyễn Xuân Đàm – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên. Ảnh Xuân Trung

“Lứa tuổi chúng tôi có người lớn tuổi, có người còn trẻ nhưng đều lớn lên qua 23 bức thư của Bác. Với tôi được đọc, được nghe, được lớn lên từ bức thư đầu tiên đó là điều vinh dự lớn trong cuộc đời làm thầy của mình. Để bảo tồn những ký ức về vật chất và tinh thần, tôi nghị Bộ trưởng nghiên cứu xây dựng cho ngành giáo dục chúng ta một bảo tàng giáo dục, bảo tàng đó vô cùng quý giá của ngành, của nhiều thế hệ để giáo dục lòng yêu nước, ý chí kiên cường của các nhà giáo. Cho các con, các cháu tự hào” nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm kiến nghị.

Cách đây 25 năm một ý tưởng táo bạo đã đã ra đời cho một mô hình trường dân lập THPT, ngôi trường Đinh Tiên Hoàng của TS. Nguyễn Tùng Lâm lúc đó có thể nói là mô hình trường dân lập hệ phổ thông đầu tiên, chấp nhận mạo hiểm, nhiều thách thức vì trường dám liều mình đào tạo những học sinh yếu kém về đạo đức, về văn hóa. 

Thấm nhuần lời dạy của Bác trong bức thư cuối cùng cách đây 45 năm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng dù khó khăn tới đâu cũng dạy tốt, học tốt, giáo dục là sự nghiệp của quần chúng và đảm bảo cho các em không ai không được đi học, dù có yếu kém tới đâu. Nhà trường chấp nhận trong điều kiện kinh tế thị trường, không có sự đầu tư của nhà nước mà hoàn toàn dựa vào sức dân đã phát triển và có uy tín cho tới ngày hôm nay.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tự hào sau khi 25 năm phấn đấu, mái trường Đinh Tiên Hoàng đã khang trang hơn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng nhà trường, đồng thời là Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, với 25 năm đó nếu không làm tốt công tác đào tạo chắc cũng không có học sinh: “Nhưng hàng năm chúng tôi vẫn tuyển được học sinh. Chúng tôi rút ra bài học, chúng ta làm được chất lượng giáo dục thì trước hết là phải nói tới đội ngũ nhà giáo, không có đội ngũ nhà giáo thì đừng nói tới chất lượng giáo dục. Với điều kiện như vậy chúng tôi có một đội ngũ nhà giáo hết sức tâm huyết, chủ động, sáng tạo, thực sự vượt qua chính những khó khăn trong con người của mình, vì ai cũng muốn dạy học sinh giỏi” TS Tùng Lâm chia sẻ với Bộ trưởng Luận về mô hình trường dân lập của ông.

Trong những năm qua thực hiện lời dạy của Bác, nhiều nhà giáo lão thành đã không quản ngại gian khó để gieo chữ ở những vùng sâu, vùng xa, những đóng góp của các thầy cô giáo trên mọi phương diện của ngành giáo dục đã từng bước đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển. TS. Nguyễn Tùng Lâm đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cần có định kỳ tuyên dương những nhà giáo lăn lộn với nghề, có thể là 5 năm/ 1 lần, đây không chỉ là danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân mà đó còn là những người biết vượt qua khó khăn để đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Chia sẻ những khó khăn đối với các nhà giáo lão thành trong cả nước, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trân thành ghi nhận những đóng góp của các nhà giáo cách mạng. Mong muốn các thầy, các cô tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp trồng người của đất nước.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trân trọng tình cảm đối với những nhà giáo cách mạng đã có công xây dựng ngành giáo dục trong kháng chiến, giờ đây lại tích cực đóng góp cho sự nghiệp ở thời bình. Ảnh Xuân Trung

Qua đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhớ lại lời dạy sâu sắc của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sinh thời: “Ngành giáo dục muốn dạy gì thì dạy nhưng quan trọng nhất là phải dạy người, ngành phải chú ý  tới các lớp thầy giáo giáo đi trước, cả cuộc đời họ phấn đấu cho sự nghiệp, cống hiến không mệt mỏi họ không đòi cái gì cả, nhưng khi về hưu họ lại rất thiết thòi”.

Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế chưa đáp ứng được sự mong đợi của các nhà giáo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng ngành cũng đã cố gắng rất nhiều và cố gắng hiểu rõ lời dạy này nhưng khách  quan còn nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng dẫn chứng: “Chúng tôi quyết định làm kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, đây  là phần thưởng cao quý nhất của ngành cho các nhà giáo liệt sỹ, nhưng 5-7 năm nay không làm được, không làm được không phải là không muốn làm mà mỗi lần mang ra làm thì trong luật chỉ nói là trao tặng chứ không nói là truy tặng”.

Thông tin với các nhà giáo lão thành trong cả nước, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Trung ương vừa qua đã thông qua Đề án đổi mới giáo dục và đào tạo, cuộc đổi mới lần này sẽ khác với những lần trước, những lần đổi mới trước chúng ta chỉ thay đổi nội dung, chương trình còn giữ kết cấu theo các môn khoa học nào sẽ thiết kế cho môn khoa học đó.

Bộ trưởng cho rằng, lần này đổi mới sẽ không phải là những môn khoa học truyền thống, mà ở đó là các lĩnh vực gần gũi với cuộc đời của học sinh. Thầy cũng sẽ không dạy theo lối truyền thống là đọc và trò chép, mà người thầy ngoài vai trò truyền thụ kiến thức còn phải là người tổ chức, truyền thụ cho học sinh các hoạt động, qua các hoạt động đó học sinh dần hình thành tính cách, phẩm chất và năng lực của mình.

“Không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội phải tham gia xây dựng, tôi rất kỳ vọng vào các đội ngũ nhà giáo nghỉ hưu có thể tham gia ở các nhà trường, các tổ chức mặt trận, thầy và trò cùng hòa vào các lực lượng xã hội. Mong các thầy các cô với kinh nghiệm, với kiến thức từng trải sẽ ủng hộ, cổ vũ công việc này” Bộ trưởng Luận tin tưởng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết